Băng rừng cõng chữ đến ngôi làng "nhiều không"

VHO- Làng vùng cao Canh Tiến (thuộc xã Canh Liên, huyện Vân Canh, Bình Định) thường được gọi là làng “nhiều không”: Không đường, không điện lưới quốc gia, không nước sạch và cũng ít khi được thăm khám. Người dân nơi đây gần như sống biệt lập với bên ngoài, cái nghèo luôn bủa vây nên việc học hành của con trẻ không được quan tâm, chú trọng...

Bang rung cong chu den ngoi lang nhieu khong - Anh 1

Muốn đến Canh Tiến mà không phải xuyên rừng thì phải đi bằng xuồng qua hồ Núi Một

 Tuy khó khăn, thiếu thốn trăm bề nhưng các cô giáo trẻ với tình yêu thương, sự tâm huyết và lòng yêu nghề vẫn quyết băng rừng, vượt núi cõng con chữ đến với những em học trò nhỏ ở ngôi làng này.

Vượt rừng để ươm mầm hy vọng

Canh Tiến có 120 hộ dân với trên 500 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Chăm và Ba Na sinh sống. Nằm cách trung tâm xã Canh Liên gần 23 km, đường vào làng chỉ có duy nhất lối mòn xuyên rừng, đèo dốc hiểm trở, đi bộ khoảng 3 giờ mới tới. Còn nếu không muốn băng rừng thì buộc phải qua xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn) đi xuồng vượt hồ Núi Một hoặc men theo con đường mòn chạy quanh hồ, mất nửa ngày mới tới nơi.

Hiện Canh Tiến có một điểm trường mẫu giáo với 40 trẻ và điểm trường tiểu học có 51 học sinh. Hành trình đem con chữ đến với các em thật gian nan. Thông thường, chiều thứ Sáu các cô giáo trẻ sẽ về thăm nhà và đến sáng thứ Hai quay trở lại trường với lỉnh kỉnh nhu yếu phẩm đủ dùng cho cả tuần. Các cô cho biết, trời nắng đi lại còn đỡ vất vả chứ lúc trời mưa, sông sâu, suối lớn nhiều khi phải ngủ lại trong rừng vài ngày mới vào được làng.

Cô giáo Võ Thị Kiều Trinh (quê ở Tây Sơn) chia sẻ: “Em bắt đầu dạy ở đây từ năm 2018. Ngày đầu nhận nhiệm vụ, em không nghĩ mình có thể gắn bó lâu dài được với nơi đây. Nhưng sau khoảng một tuần thì em thích nghi dần, có lẽ phần vì yêu mến học sinh, phần vì trách nhiệm với sự tin tưởng, gửi gắm của dân làng”. Còn cô Lê Thị Na Uy (quê ở Tuy Phước) cởi mở cho biết, học sinh ở đây hồn nhiên, trong sáng lắm, thấy cô giáo mặc quần áo đẹp là xúm lại hỏi cô mặc đồ Tết hả cô. “Hồi bọn em mới đến, học trò rủ cô đi hái nấm keo mà cô thì không rành đường, những chỗ đường lầy trò đều xuống đẩy xe cho cô. Tình cảm cô trò cứ thế đầy lên, nên dẫu cực khổ chúng em cũng thấy ấm lòng. Yêu thương không chỉ là tình cảm thầy trò mà còn là niềm thương mến, gắn bó với con người, vùng đất còn nhiều khốn khó này”, cô Uy bộc bạch.

Bang rung cong chu den ngoi lang nhieu khong - Anh 2

Thắp sáng niềm tin…

Không đường, không điện, Canh Tiến bị tụt hậu nhiều so với các khu vực khác, cái đói, cái nghèo cứ mãi đeo bám. Anh Đinh Văn Ước, người dân Canh Tiến tâm sự: “Nếu không có đường thì không biết đến bao giờ mới hết khổ, bởi đường sá đi lại quá khó nên không thể phát triển kinh tế. Ở làng chỉ có điểm trường mẫu giáo và cấp 1, học sinh muốn đi học lên cấp 2 thì phải vượt đèo, lội suối cả ngày mới đến được trường. Giờ dân làng đã phần nào hiểu ra chỉ có học hành đến nơi đến chốn thì mới mong thoát nghèo, nên tỷ lệ học sinh bỏ học giảm dần”.

Mới đây, các cấp, các ngành đã quan tâm hỗ trợ cho làng hệ thống điện năng lượng mặt trời nên cũng đỡ vất vả. Niềm vui lớn nhất của cô trò Canh Tiến là học sinh có điều kiện học tập tốt hơn. Một cô giáo chia sẻ, thời gian trước học trò về nhà không ôn bài được, sáng đến lớp cô hỏi thì thật thà nói do nhà con không có điện, nghe mà thương rớt nước mắt. Cứ thế, trước mỗi buổi học, các cô lại phải ôn tập bài đã học rồi mới vào bài mới. Có điện rồi, mình cũng nhắc nhở các em và phụ huynh tối về nhớ cho con ôn bài để lên lớp tiếp thu được tốt hơn. Cô Nguyễn Thị An Nhơn, giáo viên dạy mầm non cho biết: “Hoạt động dạy và học ở Canh Tiến giờ đỡ vất vả nhiều rồi. Điểm trường mẫu giáo mới được xây dựng khang trang; điện năng lượng mặt trời đã có nên lớp học được trang bị quạt máy, ngoài ra, trẻ còn được uống sữa học đường nên phụ huynh cũng yên tâm và phấn khởi lắm”.

Ông Trần Văn Tho, Hiệu trưởng Trường tiểu học Canh Liên chia sẻ: “Cuối năm 2020 làng Canh Tiến có điện năng lượng mặt trời, chúng tôi rất vui mừng vì việc dạy và học đã thuận lợi hơn. Thời gian tới, nhà trường sẽ triển khai xây dựng thêm một số công trình như nhà công vụ, sân trường... để giáo viên có nơi ăn chốn ở khang trang, sạch sẽ”. Thầy Tho chia sẻ thêm, mỗi giáo viên ở đây phải dạy cùng lúc hai ngôn ngữ, vừa dạy tiếng phổ thông vừa phải am hiểu tiếng đồng bào. Chưa kể, do học sinh ít nên phải học ghép lớp, bởi thế các cô rất vất vả.

Anh Đinh Văn Tào, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban quản lý làng Canh Tiến cũng bộc bạch: “Đời sống của bà con nơi đây giờ đã có nhiều đổi thay, trẻ em trong làng đến độ tuổi đến trường đều được đi học. Cái chữ đã không còn “làm khó” được đồng bào nữa. Song trên tất cả, họ vẫn mong ước có một con đường dẫn vào làng, để người dân và các thầy cô giáo đi lại thuận tiện, tiếp tục gắn bó với học sinh, thắp lên niềm hy vọng vượt qua đói nghèo và hướng đến một tương lai tươi sáng hơn. 

PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc